Truyền thông đa phương tiện – nghề của tương lai
Truyền thông đa phương tiện là sự giao thoa của công nghệ thông tin, truyền thông, mỹ thuật và nghệ thuật. Việt Nam đang thiếu hụt nguồn nhân lực Truyền thông đa phương tiện trình độ cao.
Truyền thông đa phương tiện (Multimedia)
Trong tiếng Anh, “media” là phương tiện, “multi” là nhiều. Truyền thông đa phương tiện (Multimedia) là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc sản xuất hậu kỳ các bộ phim, chương trình phát thanh - truyền hình, sáng tạo, thiết kế sản phẩm đồ hoạ để “chạy” trên nhiều thiết bị đầu cuối khác nhau (đa phương tiện).
Trước đây, các hoạ sĩ vẽ ra một bức tranh chỉ có thể “chạy” trên giấy và chỉ một số ít người ở một địa điểm nào đó có cơ hội thưởng thức tác phẩm.
Còn ngày nay, một tác phẩm đồ hoạ máy tính (hiểu nghĩa rộng) có thể chạy trên máy vi tính cá nhân, máy tính bảng, điện thoại di động, tivi… của những người sử dụng các thiết bị có trang bị màn hình hiển thị đơn lẻ hoặc thông qua Internet. Đó có thể là một bảng hiệu quảng cáo đẹp, một bộ phim điện ảnh kinh điển, một phóng sự chân dung đời thường, một đoạn âm thanh sống động, một banner nhấp nháy trên nền một website, một đoạn flash hay một đoạn phim quảng cáo sản phẩm, một trò chơi trên mạng, một phim hoạt hình 3D… Tất cả đều là sản phẩm của Multimedia.
Có thể nói, truyền thông đa phương tiện là sự giao thoa của công nghệ thông tin, truyền thông, mỹ thuật và nghệ thuật. Trong đó, máy tính là công cụ chủ yếu cho việc sáng tạo, xây dựng các sản phẩm truyền thông, giải trí… và ứng dụng đồ họa cho tất cả các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.
Nghịch lý việc làm: cầu nhiều, cung ít
Trong lĩnh vực hậu kỳ, những năm trước đây, khi cần thực hiện một đoạn phim với kỹ xảo phức tạp, 3D cao cấp, các nhà làm phim Việt Nam phải mang bộ phim của mình ra các nước như Thái Lan, Singapore để thực hiện công đoạn hậu kỳ.
Thấy được tiềm năng phát triển ở thị trường truyền hình - điện ảnh Việt Nam, nhiều công ty hậu kỳ nước ngoài ồ ạt đầu tư cơ sở vật chất vào nước ta. Họ mang các thiết bị máy móc, cùng những chuyên gia hậu kỳ đến từ Anh, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia sang làm việc với đầy đủ các công đoạn, từ Editor Offline đến Online (Autodesk Smoke), chỉnh màu (Davinci), Computer Graphic (2D, 3D, After Effects), Audio...
Để tránh lệ thuộc vào nguồn nhân lực bên ngoài, thị trường nhân lực Việt Nam đang rất khát nhân sự có chuyên môn Truyền thông đa phương tiện.
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Đứng trước thực trạng truyền thông phát triển với tốc độ chóng mặt, kéo theo nhu cầu thiết kế đồ hoạ, kỹ thuật hậu kỳ ngày càng cao của các nhà sản xuất, Trường CĐ Phát thanh - Truyền hình II đào tạo nguồn nhân lực với hai chuyên ngành Tin học Truyền thông đa phương tiện, Phần cứng và mạng máy tính.
Ths Trần Minh Hùng, Trưởng khoa Công nghệ thông tin cho biết, mục tiêu của ngành Tin học Truyền thông đa phương tiện là đào tạo nguồn nhân lực với kiến thức toàn diện từ hình hoạ - vẽ kỹ thuật, nguyên lý kỹ thuật hoạt hình, phân tích các tác phẩm điện ảnh truyền hình, thiết kế truyền thông - quảng cáo, đồ hoạ ứng dụng cho đến ứng dụng tin học trong phát thanh - truyền hình với các phần mềm thông dụng như Illustrator, Photoshop, Premiere, 3ds max, Audition...
Chuyên ngành Phần cứng và mạng máy tính có mục tiêu giúp học viên trang bị những kiến thức về cách lắp ráp và cài đặt, bảo trì máy tính, các thiết bị ngoại vi; thiết kế, cài đặt hệ thống mạng và các dịch vụ mạng, bảo mật hệ thống mạng, hệ thống website, server…
Những năm gần đây, chất lượng đào tạo của nhà trường đã được khẳng định rõ. Nhiều sinh viên ra trường đã nhanh chóng tiếp cận môi trường làm việc thực tế, phát huy khả năng tại các cơ quan báo chí, công ty truyền thông, doanh nghiệp...
Anh Lương Ngô Trí Nhân, cựu sinh viên, nhân viên kỹ thuật hậu kỳ phòng Truyền hình báo Tuổi trẻ cho biết: “Trong quá trình học tập tại trường, tôi được các thầy cô tận tình giảng dạy và định hướng tương lai, được tiếp cận các thiết bị thực tế, nhờ đó mà tôi tích lũy kiến thức, nung nấu lòng yêu nghề. Tôi cũng chủ động tìm công việc tại các đoàn phim để học hỏi từ thực tế. Nhờ đó, tôi có thể làm tốt công việc hiện tại”.
Việc làm nào cho ngành Truyền thông đa phương tiện?
Tại các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, giải trí, quảng cáo, giáo dục, kinh doanh..., người tốt nghiệp ngành đa phương tiện có thể ứng tuyển những vị trí:
- Xử lý hậu kỳ các sản phẩm truyền hình, phim điện ảnh: xử lý âm thanh, hình ảnh trước khi phát sóng hay làm các kỹ xảo điện ảnh (tại các công ty hậu kỳ, công ty truyền thông, hãng sản xuất phim…)
- Chuyên gia thiết kế, dàn trang báo chí, ấn phẩm, bìa sách (tại các công ty báo chí, báo điện tử, nhà xuất bản).
- Chuyên gia thiết kế, xây dựng phim hoạt hình: thiết kế nhân vật, thiết kế kịch bản (tại các xưởng sản xuất phim hoạt hình).
- Chuyên gia thiết kế, xây dựng trò chơi điện tử (tại các công ty phát triển game).
- Chuyên gia thiết kế, tư vấn quảng cáo: thiết kế bao bì, nhãn hiệu sản phẩm, thiết kế logo, làm phim quảng cáo...hoặc một hệ thống nhận dạng thương hiệu (tại các công ty quảng cáo, PR).
- Chuyên gia thiết kế, xây dựng website: thiết kế giao diện, thiết kế chức năng, xây dựng nội dung (tại các công ty phát triển phần mềm, xây dựng website).
- Chuyên gia thiết kế đồ họa, mô phỏng: ứng dụng trong y học, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, giáo dục... (tại các công ty về thiết kế đồ họa).
- Giảng dạy trong các cơ sở đào tạo, giáo dục đại học và chuyên nghiệp về lĩnh vực đồ họa.
KHOA CÔNG NGHỆ THÔNG TIN